Coachella là lễ hội âm nhạc đình đám nhất toàn cầu, mỗi năm thu hút hơn 250.000 người đến Indio, California để cùng “quẩy”. Trong đám đông này, có những người là dân mê âm nhạc thuần túy, có những người là fan hâm mộ của một hoặc nhiều những nghệ sỹ biểu diễn, và cũng có những người chỉ thuần túy là mê thời trang và phải đến với lễ hội âm nhạc được mệnh danh là thánh đường thời trang của những phong cách hoang dại.
Lễ hội âm nhạc Coachella là nơi khai sánh phong cách Thời trang Lễ hội (festival wear)
Mỗi khi tháng Tư đến, suốt hai tuần liên tục diễn ra lễ hội âm nhạc Coachella, mạng xã hội X/Twitter và Instagram sẽ tràn ngập những hình ảnh của người đi chơi. Ai ai cũng ăn vận thật đẹp theo một phong cách mà ngày thường họ không dám. Có thể họ sẽ diện bikini hay bodysuit đi xem ca nhạc. Có thể họ sẽ hóa cô gái du mục những chiếc đầm boho thướt tha. Hay chơi trội với những bộ cánh lấp lánh xuyên thấu không thể tả. Và trên hết, mọi outfit đều sexy và tỏa sức quyến rũ nóng bỏng hệt như cái nắng California.
Giới thời trang gọi chung chung phong cách ăn mặc ở lễ hội âm nhạc Coachella là Festival Wear (thời trang lễ hội), một phong cách đặc thù không lẫn vào đâu được. Để một lễ hội âm nhạc khai sinh cả một trào lưu ăn mặc là chuyện không tưởng, nhưng Coachella đã làm được chuyện đó.
Theo stylist Andrew Gelwicks: “Bên cạnh âm nhạc, thời trang cũng rất được trông đợi tại Coachella. Mọi người ăn mặc và trang điểm chỉn chu mỗi ngày. Các thương hiệu cũng nhận ra điều này và chú ý đến Coachella nhiều hơn.”
Danh tiếng cùng độ phủ truyền thông dày đặc của Coachella khiến các fashionista một khi cầm được “tấm vé vàng” trong tay, sẽ không tiếc thời gian, công sức và tiền bạc tuyển chọn tỉ mỉ trong nhiều tuần, thậm chí là vài tháng để tạo nên diện mạo hoàn hảo nhất, với hy vọng có cơ hội được lọt vào ống kính của blogger thời trang và xuất hiện trên các mặt báo.
Các xu hướng thời trang đường phố (street style) của giới fashionista cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Coachella. Do đó, từ khoá #Coachella cũng được sử dụng như một “quyển catalogue” đầy cảm hứng về street style. Đối với những người có có tầm ảnh hưởng (các influencers), Coachella chính là Met Gala của họ.
Coachella đã thay đổi như thế nào để trở thành một thánh đường thời trang?
Làm thế nào mà một lễ hội âm nhạc bắt đầu như một sự kiện nhạc punk-rock indie lại biến thành một địa điểm thời trang hoành tráng, được các thương hiệu hậu thuẫn? Có lẽ chúng ta nên quay ngược dòng thời gian để xem lại sự phát triển của Coachella.
Khi Coachella lần đầu tiên diễn ra vào năm 1999, đây không phải là một đại hội âm nhạc hoành tráng nhận được nhiều tài trợ hay sự quan tâm như ngày nay. Nó hoạt động bí mật chỉ trong một ngày và những người tham dự phần lớn mặc áo phông và trang phục mùa hè thông thường (ví dụ như áo ba lỗ, denim cổ điển, quần short và quần ống rộng). Không chú trọng đến thời trang, người ta nhấn mạnh vào sự thoải mái và tính thực tế – và tất nhiên, cả âm nhạc.
Tuy nhiên, khi Coachella dần dần trở thành một điểm đến âm nhạc thu hút thì nó cũng dần dần thay đổi. Khi ngày càng nhiều người yêu nhạc tề tựu thì lễ hội bắt đầu kéo dài hơn chỉ một ngày, thu hút nhiều nghệ sỹ sở hữu phong cách âm nhạc khác nhau. Kết quả là, một loạt các fandom (tạm dịch là hội người hâm mộ) đa dạng đã dựng trại trên khu đất sa mạc, và cùng với họ là sự thâm nhập thời trang ban đầu của lễ hội.
Vào những năm 2000, mạng xã hội không có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội như ngày nay. Vì vậy, giới mộ điệu thời trang học hỏi phong cách của những ngôi sao thay vì từ những fashionista trên mạng. Sự xuất hiện của các sao hạng A tại lễ hội âm nhạc Coachella trở thành nhân tố quyết định quy cách ăn mặc tại sự kiện.
Johnny Depp, người thường xuất hiện với chiếc áo phông in họa tiết phai màu và đội mũ phớt mềm, là một trong những người đầu tiên định hình phong cách thời trang lễ hội (festival wear). Trong khi đó, Paris Hilton và Nicole Richie, hai It Girl đời đầu thập niên 2000, lại lăng-xê phong cách boho với áo peasant blouse, chân váy maxi và kính râm ngoại cỡ.
Fan hâm mộ bắt đầu đổ xô đến lễ hội âm nhạc Coachella với mong muốn được gặp các ngôi sao. Sau đó khi mạng xã hội bắt đầu trở nên thịnh hành, những người có lượng follow lớn cũng có mặt tại tụ điểm văn hóa này.
Khi các KOL – những nhân vật có sức ảnh hưởng trong làng thời trang – bắt đầu đổ xô đến Indio với số lượng lớn vào khoảng năm 2014 và 2015, tác động của họ được thể hiện rõ nhất đối với văn hóa thời trang của lễ hội. Với mục tiêu tạo ra những khoảnh khắc đẹp nhất để đạt lượng tương tác lớn trên mạng xã hội, họ đua nhau ăn diện. Thậm chí một số nhân vật còn thuê stylist. Các KOL đã tạo ra cuộc đua thời trang ở Coachella như vậy.
Các thương hiệu nắm bắt cơ hội quảng bá nhờ những chiến dịch vượt khỏi khuôn khổ âm nhạc
Khi các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, trở nên phổ biến, các thương hiệu thời trang ở khắp mọi nơi bắt đầu coi lễ hội âm nhạc Coachella trở thành bối cảnh lý tưởng để kết nối với những khán giả trẻ, có ý thức về phong cách.
Những thương hiệu như Revolve, Levi’s, Puma, Guess và Forever 21 tìm kiếm Coachella như một đối tác để giới thiệu sản phẩm của họ với sự hợp tác sâu rộng của những người có ảnh hưởng. Họ tổ chức những bữa tiệc, thực hiện những góc check-in đặc biệt, và mời các ngôi sao và fashionista tham gia.
Tại những bữa tiệc này, không thể vắng bóng Vanessa Hudgens – “nữ hoàng Coachella” của những năm 2010, các thiên thần Victoria’s Secret như Alessandra Ambrosio, Romee Strijd, Sara Sampaio,… cùng dàn It girl trẻ tuổi như Bella Hadid, Kendall Jenner, Hailey Bieber,… cho đến các KOL như Aimee Song.
Maeve Riley – stylist của Hailey Bieber nhận định rằng “Coachella quan trọng không kém gì các bữa tiệc thảm đỏ hay thời trang đường phố. Là sự kiện được mọi người theo dõi để tìm xu hướng mới, cũng như ý tưởng phối đồ để khoe cá tính.”
Các thương hiệu cũng tăng doanh thu với các bộ sưu tập được thiết kế đặc biệt cho mùa lễ hội
Biên tập viên thời trang Ebony-Renee Baker của chuyên trang Refinery29 mô tả Coachella “là một cơ hội kinh doanh lớn cho các thương hiệu và influencer. Bởi tiếng tăm của Coachella đã vang xa đến mức cả thế giới đều quan tâm đến dù có cách xa địa lý.”
Không khí mùa lễ hội khiến con người phấn khích. Trong tâm trạng tốt, việc quyết định “rút hầu bao” cũng dễ dàng hơn. Nắm bắt được tâm lý này, từ trước khi Coachella chính thức được diễn ra, các thương hiệu khôn ngoan đã tung ra lookbook dành riêng cho mùa lễ hội âm nhạc. Trong báo cáo của The Business of Fashion, so với năm 2019, Coachella 2022 đã giúp doanh số cho thời trang lễ hội của Boohoo, H&M, Asos và Nasty Gal tăng đến 173%.
Từ vài năm trước, H&M đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để giới thiệu BST H&M Loves Coachella, cùng thông điệp đại ý thời trang Coachella không chỉ dành cho những ai “có vé,” mà cả những người không tham dự cũng được lan tỏa tinh thần lễ hội này. Các nhãn hàng khác cũng nhanh chóng cập nhật thêm trang “lễ hội” vào website, để ăn theo cơn sốt Coachella.
Coachella có đang dần trở thành một sự kiện thời trang thay vì âm nhạc?
Thành thật mà nói, từ góc nhìn của người xem, những thử nghiệm thời trang trong khuôn viên lễ hội khá thú vị. Trong thời đại mà phong cách thời trang tối giản, quiet luxury và old-money lên ngôi, thì Coachella mang lại thấy những người sáng tạo nội dung xuất hiện với những thiết kế táo bạo.
Sự thay đổi từ âm nhạc sang lan truyền hình ảnh thời trang, các tiệc bên lề cũng là một sự chuyển mình rất tự nhiên. Ngày nay, mạng xã hội là cuộc sống thứ hai của rất nhiều bạn trẻ. Thậm chí, khả năng Coachella trở thành siêu sự kiện âm nhạc toàn cầu khi nó có mặt trên Metaverse hay một thế giới ảo nào đó cũng không phải là không thể. Khi đó, không chỉ âm nhạc, thời trang là yếu tố thu hút mà Coachella sẽ trở thành một điểm đến của giải trí đa giác quan chưa từng có trước đây.
Bỏ qua những điều này, điều quan trọng là đại đa số những người đến Coachella là để xem các nghệ sĩ yêu thích của họ và để có khoảng thời gian vui vẻ. Mặc dù lễ hội đã phát triển đáng kể trong hai thập kỷ qua nhưng âm nhạc vẫn sẽ là giá trị cốt lõi của Coachella.